Ví dụ về vốn điều lệ công ty cổ phần
Trong nội dung bài viết dưới đây của Luật Hoàng Phi sẽ đưa ra Ví dụ về vốn điều lệ công ty cổ phần để quý độc giả tham khảo.
Ví dụ về vốn điều lệ công ty cổ phần
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Khi thành lập công ty cổ phần hoặc góp vốn mua cổ phần thỉ tổ chức, cá nhân cần nắm được các quy định của pháp luật về vốn điều lệ công ty cổ phần, các loại cổ phần. Nội dung bài viết dưới dây sẽ đưa ra Ví dụ về vốn điều lệ công ty cổ phần.
Vốn điều lệ công ty cổ phần là gì?
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Vốn điều lệ của công ty có thể được thay đổi trong quá trình hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ công ty cổ phần hoặc giảm vốn điều lệ trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên khi thay đổi vốn điều lệ thì công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
Ý nghĩa của vốn điều lệ công ty
– Vốn điều lệ là yếu tố không thể thiếu trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp, có nghĩa ý quan trọng trong việc xác định tỷ lệ góp vốn cũng như sự cam kết về vật chất của chủ sở hữu, các thành viên tham gia góp vốn trong công ty;
– Có nghĩa ý quan trọng trong việc xác định tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu, các thành viên trong công ty, dựa vào đó làm căn cứ để phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên tham gia góp vốn.
– Ngoài ra vốn điều lệ còn thể hiện quy mô, năng lực và vị trí của công ty trên thị trường. Các đối tác, khách hàng sẽ tin tưởng, giao dịch với những công ty có vốn điều lệ lớn.
Các loại cổ phần trong công ty cổ phần
Trước khi tìm hiểu Ví dụ về vốn điều lệ công ty cổ phần cần nắm được các loại cổ phần trong công ty cổ phần. Theo quy định tại Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các loại cổ phần như sau:
Điều 114. Các loại cổ phần
1. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
2. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyếtđịnh.
3. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.
5. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
6. Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.
7. Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Như vậy từ quy định trên thấy được rằng công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông, ngoài ra có thể có cổ phân ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm: Cổ phần ưu đãi cổ tức; Cổ phần ưu đãi hoàn lại; Cổ phần ưu đãi biểu quyết; Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Ví dụ về vốn điều lệ công ty cổ phần
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập công ty là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi nhận rõ ràng trong Điều lệ công ty.
Ví dụ: Công ty cổ phần A tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp đăng ký bán 500,000 cổ phần với mệnh giá 10,000 đ/cổ phần và được cổ đông đăng ký mua 200,000 cổ phần.
Vốn điều lệ công ty Cổ phần A = 200,000 cổ phần x 10,000 đ/cổ phần = 2,000,000,000 đ.
Thời hạn góp vốn điều lệ công ty cổ phần bao lâu?
Ví dụ về vốn điều lệ công ty cổ phầnđã được giải thích ở trên, vậy thời hạn góp vốn điều lệ công ty cổ phần bao lâu?
Theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 thì thời gian góp vốn điều lệ công ty cổ phần được quy định như sau:
– Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.
Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.
– Trong thời hạn từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến ngày cuối cùng phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua quy định, số phiếu biểu quyết của các cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông đã được đăng ký mua, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
– Trường hợp sau thời hạn quy định cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:
+ Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
+ Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
+ Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
– Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định.
Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định.
Thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần
Khi thay đổi vốn điều lệ công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần như sau:
– Chuẩn bị hồ sơ thay đổi vốn điều lệ công ty cổ phần
Hồ sơ bao gồm:
+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
+ Nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;
+ Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
– Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
– Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch đầu tư tiếp nhận, xem xét và giải quyết hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ: Cấp Giấy biên nhận hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ: Hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Góp vốn điều lệ công ty cổ phần bằng tài sản nào?
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp hiện hành thì:
– Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Điều này có nghĩa là có thể góp vốn điều lệ bằng các tài sản như bất động sản, ô tô,…, miễn sao có văn bản thỏa thuận đồng ý về giá trị tài sản của tất cả các thành viên góp vốn.
– Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn. Các quyền trên cần được định giá, hoặc thỏa thuận với các thành viên về giá trị tài sản đó, sau đó quy đổi giá trị ra tiền VNĐ và được ghi vào biên bản góp vốn tài sản của công ty.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay thì doanh nghiệp không cần chứng minh vốn điều lệ. Khi thành lập công ty không cần chứng minh vốn điều lệ trong tài khoản ngân hàng, trừ trường hợp công ty kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn ký quỹ.
Mong rằng nội dung bài viết trên của Luật Hoàng Phi đã cung cấp đến quý độc giả những thông tin hữu ích về vốn điều lệ công ty cổ phần. Mọi vấn đề cần hỗ trợ tư vấn về vốn điều lệ công ty hoặc hỗ trợ dịch vụ thành lập doanh nghiệp hãy liên hệ cho chúng tôi theo số 0981.378.999.
Nguồn: Đại Lý Thuế Gia Lộc