3 loại thuế, lệ phí hộ kinh doanh phải nộp trong năm 2023
3 loại thuế, lệ phí hộ kinh doanh phải nộp trong năm 2023
Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng
* Hộ, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng nếu doanh thu trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng
Nội dung này được quy định rõ tại nguyên tắc tính thuế theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:
“2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định”.
* Có nhiều phương pháp tính thuế theo từng hộ, cá nhân kinh doanh
Tùy theo từng đối tượng mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ áp dụng phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng khác nhau, cụ thể:
(1) Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai
Phương pháp này áp dụng đối với:
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn: Là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ trở lên, cụ thể như sau:
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên;
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Xem chi tiết: Cách tính thuế theo phương pháp kê khai cho hộ, cá nhân kinh doanh
(2) Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh.
Là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế từng lần phát sinh.
Xem chi tiết: Cách tính thuế theo từng lần phát sinh cho hộ, cá nhân kinh doanh
(3) Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
Xem chi tiết: Hướng dẫn tính thuế theo phương pháp khoán cho hộ, cá nhân kinh doanh
(4) Phương pháp tính thuế đối với trường hợp tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân
Xem chi tiết: Cách tính thuế khi nộp thuế thay cho cá nhân theo Thông tư 40
Lệ phí môn bài (thuế môn bài)
* Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC, mức nộp lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh như sau:
TT | Doanh thu | Mức nộp |
1 | Trên 500 triệu đồng/năm | 01 triệu đồng/năm |
2 | Trên 300 đến 500 triệu đồng/năm | 500.000 đồng/năm |
3 | Trên 100 đến 300 triệu đồng/năm | 300.000 đồng/năm |
Doanh thu làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình, địa điểm mới ra kinh doanh như sau:
– Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình (trừ cá nhân cho thuê tài sản) là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh (không bao gồm hoạt động cho thuê tài sản) của các địa điểm kinh doanh theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình đã giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sau đó ra kinh doanh trở lại không xác định được doanh thu của năm trước liền kề thì doanh thu làm cơ sở xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu của năm tính thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng quy mô, địa bàn, ngành nghề theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC.
– Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.
Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó là tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế.
Xem thêm: Bậc thuế môn bài và mức nộp thuế môn bài 2023
* Hạn nộp lệ phí môn bài 2023
Căn cứ khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp lệ phí môn bài năm 2023 chậm nhất là ngày 30/01/2023.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý hạn nộp đối với một số trường hợp khác, cụ thể:
– Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.
+ Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
+ Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động.
+ Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.
Trên đây là các loại lệ phí, thuế hộ kinh doanh phải nộp trong năm 2023 nếu có doanh thu đạt mức theo quy định. Trường hợp có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài1900.6192để được giải đáp.